Phân loại, cấu tạo Đàn_bầu

Phân loại

Đàn thân tre thường dùng cho người hát xẩm hoặc những nơi khó khăn, không có điều kiện chế tác tỉ mỉ, chi tiết. Thân đàn làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài khoảng 120 cm, đường kính 12 cm. Mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre hoặc bương. Loại này ít phổ biến.

Đàn hộp gỗ là loại đàn cải tiến, có tính năng ưu việt hơn, thường do các nghệ sĩ chuyên nghiệp sử dụng. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, thường làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ ngô đồng... Loại đàn bằng gỗ vông được dùng phổ biến nhất.

Cấu tạo

Nữ nhạc công gẩy đàn bầu tại một đêm diễn quan họ Bắc Ninh ở Hà Nội

Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn (bằng tre, bương, luồng) hoặc hình hộp chữ nhật; một đầu to, một đầu vuốt nhỏ hơn một chút; thường có chiều dài khoảng 110 cm, đường kính hoặc bề ngang ở đầu to khoảng 12,5 cm, đầu nhỏ khoảng 9,5 cm; cao khoảng 10,5 cm. Ở loại đàn gỗ Mặt đàn và đáy đàn bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ thông hay gỗ tung. Mặt đàn hơi cong lên một chút, đáy đàn phẳng có một lỗ nhỏ để treo đàn, một hình chữ nhật ở giữa để thoát âm đồng thời cầm đàn khi di chuyển và một khoảng trống để cột dây đàn. Thành đàn bằng gỗ cứng như cẩm lai hoặc mun để cho chắc chắn và có thể bắt vít cho khóa dây đàn.

Trên mặt đầu to có một miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn. Qua ngựa đàn, dây đàn được luồn xuống và cột vào trục lên dây đàn xuyên qua thành đàn, trục này được làm đẹp và nó được giấu phía sau thành đàn. Ngày nay người ta dùng khóa dây đàn bằng kim loại cho chắc để chống tuột dây đàn. Trên mặt đầu nhỏ của đàn có một cần dây làm bằng gỗ hoặc sừng, được gọi là cần đàn hoặc vòi đàn. Cần đàn xuyên qua nửa đầu trái bầu khô hoặc tiện bằng gỗ theo hình dạng tương tự và cắm vào một lỗ trên mặt đầu nhỏ của vỏ đàn. Một đầu dây đàn buộc cố định vào cần đàn khoảng giữa bầu đàn.[1]

Khi công nghệ điện tử ra đời, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp một cuộn cảm ứng điện từ có lõi sắt non vào dưới mặt đàn giáp với dây ở phía đầu to để cảm ứng âm thanh truyền qua bộ dây đồng trục, đưa tín hiệu đến khuếch đại âm thanh qua máy tăng âm. Loại đàn này chỉ có thể dùng dây thép và có nhược điểm là độ méo âm thanh khá lớn so với âm thanh của loại đàn không dùng bộ khuếch đại điện từ (đàn mộc).

Que gảy đàn: thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm... Người ta hay làm bông hoặc tưa đầu nhọn một chút để làm mềm âm thanh khi gảy. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10 cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4,5 cm.